đàn bà em

Nếu ai hỏi đàn bà có khổ không, không cần suy nghĩ quá hai giây, tôi đã có câu trả lời cho bạn. Đàn bà quá khổ, khổ trăm đường…

Đàn ông sẽ nói, đàn bà nói vậy là sai, sao đàn bà lại khổ? Từ khi là thiếu nữ, đàn bà đã được cánh đàn ông săn đón, cung phụng, tán tỉnh. Rồi thích gì đàn ông cũng chiều. Đi đâu đàn ông cũng hỏi han, quan tâm, lo lắng. Rồi đàn bà được đàn ông chủ động đưa đón, tặng hoa, tặng quà, chiều như chiều vong… Khổ cái nỗi chi…

Xin thưa, những thứ vặt vãnh ấy chỉ là những tiểu tiết, thấm vào đâu so với quãng đời sau này. Khi những lời đường mật kia chỉ là dĩ vãng, khi những câu nói ngọt ngào rót vào tai chỉ là quá khứ thì đàn bà phải đối diện với cuộc sống hiện tại, trăm nghìn khổ. Khổ chính là ở chỗ đàn ông nói, đàn bà được họ chiều chuộng, cung phụng, săn đón, tán tỉnh, tặng hoa tặng quà.

Vì xưa kia là thế để tìm mọi cách chinh phục người đẹp. Còn bây giờ thì sao, khi cưới về thì sao?

Họ là cái máy đẻ, là con dâu phục vụ nhà chồng, là người vợ chăm chồng, là người mẹ chăm con, là người nội trợ, thậm chí là giúp việc trong gia đình. Thế có phải là trăm đường vất vả? Khổ chưa bàn đến nhưng vất vả thì đã chất chồng. Rồi nếu như họ có được người chồng tử tế, họ vui mà sống. Còn có người chồng không ra gì, họ tận khổ… Khổ chính là ở chỗ, xưa kia được chiều chuộng nâng niu ít ỏi, bây giờ phục vụ, chăm sóc một đời…

Đàn bà lấy chồng…
Có chồng tốt, thiên hạ, bố mẹ, anh chị em vui mừng.
Có chồng xấu, một mình gánh khổ.

Chồng giàu có thì mong được nhờ, nhưng giàu rồi thì sao? Đàn ông giàu mang tiền đi ra ngoài gái gú, ngoại tình, nuôi bồ rồi phận làm vợ lại ở nhà thui thủi, diện đẹp, môi son má phấn chờ chồng mỗi đêm. Nếu có đàn ông như thế, đàn bà lấy chồng làm gì không khổ?

Chồng nghèo thì khổ vì tiền, ngày ngày đôi co chuyện cơm nước, miếng cơm manh áo. Con cái ra rồi, còn phải vất vả tính trăm phương hướng để nuôi con, mong cho con bằng bạn bằng bè. Không làm được thì xót con, đau cho con, thương con từng đêm khóc thầm, mệt mỏi chán chường.

Chỉ mong có một buổi tối thảnh thơi cũng khó

Có được gia đình chồng tốt bụng, còn cảm thấy ấm lòng. Nhưng gặp phải người mẹ chồng không ra sao, khó tính, ki ke thì thật quả là thảm họa của đàn bà. Lấy chồng rồi, đâu phải ai cũng được đối xử công bằng, đâu phải ai cũng được nể trọng và thương yêu.

Nhiều người dùng mác mẹ chồng để dạy con dâu, mà dạy đến đau đầu, buốt óc. Vừa đối diện với chồng, đối diện với kinh tế gia đình lại còn phải đối diện với những áp lực và câu nói đay nghiến của mẹ chồng. Mệt mỏi vô cùng…

Mỗi ngày đi làm, lại phải nhanh nhanh chóng chóng về nhà cơm nước, dọn dẹp, tắm rửa giặt giũ cho con. Hôm nào cũng đến đêm mới lo tới phận mình, thậm chí là không lo nổi. Quanh quẩn ban tối trong bếp, lau chùi, bưng bê…

Chỉ mong có một buổi tối thảnh thơi cũng khó. Âu cũng vì chồng, vì con, vì gia đình nhà chồng… Chồng không làm giúp, ai làm giúp. Đàn bà đâu phải tay năm tay mười mà đàn ông suốt ngày kể công…

Bố mẹ một đời lo cho con gái, cũng nuôi con gái học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định, mong con có được tấm chồng như ý.

Vậy mà, lấy chồng xa, cả năm mới về được đôi lần. Thậm chí xa hơn nữa thì không về nổi. Tết nhất người ta sum họp, mình nước mắt lưng tròng vì nhớ thương gia đình, nhớ mẹ, nhớ cha.

Thân làm con gái, sống với bố mẹ bao nhiêu năm, giờ lấy chồng chậm dứt cuộc sống độc thân, phải ở nhà chồng làm tròn bổn phận dâu con. Đi lại cũng phải nhìn trước ngó sau. Đi đâu ngày Tết cũng phải ưu tiên nhà nội.

Thân làm đàn bà có phải mất tự do? Ấy vậy mà các ông chồng nào tâm lý, nghĩ cho vợ của mình. Có nên, một năm ăn Tết nhà nội, một năm ăn Tết nhà ngoại hay không các đức ông chồng?

Làm bố mẹ rồi, các anh chồng nên hiểu hơn nỗi lòng của người có con cái, mong con cái từng ngày sum họp. Thân làm con gái như chúng tôi, cũng chỉ mong muốn vậy thôi…

Biết là cuộc sống có muôn vàn cửa ải, cũng có muôn vàn khó khăn mà chúng ta phải tìm cách vượt qua những khó khăn ấy thật vất vả. Chẳng dễ dàng gì để kiếm được một người đàn ông hoàn hảo, một gia đình chồng hết mực yêu thương con dâu. Và cũng không dễ gì có được một người chồng giàu có, thành đạt. Nên đàn bà vốn đã biết, phải chấp nhận số phận, thậm chí là cam lòng vì tất cả những gì đang diễn ra. Có đứa con, nghĩ về con, đó là cái lời của đàn bà đi lấy chồng. Chăm con, nuôi con, đến bản thân mình cũng không dám nghĩ tới. Họ già đi, xấu đi, tiều tụy đi và họ cũng không còn những ham muốn đời thường như thời còn độc thân nữa.

Bỗng nhiên, họ trở thành một bà mẹ không màng tới thế sự, chỉ cần chồng con được ăn ngon,được ngủ ấm. Họ nghĩ mọi cách để làm cho gia đình hạnh phúc. Chồng họ ngoại tình, họ nghĩ cách kéo chồng về. Chồng họ lạnh lùng, họ nghĩ cách làm chồng quan tâm. Chồng họ thiếu quần áo mặc, con họ không có đồ mới để diện, họ chỉ nghĩ sẽ mua gì cho chồng, cho con. Mấy khi được chồng mua cho họ? Họ vẫn không dám than một lời…

Rồi lại trăm phương nghìn kế nghĩ làm sao để kiếm được miếng cơm manh áo, lo cho con có cuộc sống sung sướng như bạn như bè. Rồi mong con ra đời, trưởng thành, có công việc tốt, có gia đình tốt như bao người. Khi ấy, đàn bà đã ngoài 50, ngoài 60, tóc đã hoa râm, đã bạc, da đã nhăn nheo.

Tuổi già, lại một cuộc đời cô đơn, mong con đợi cháu sum vầy. Con lấy chồng gần còn mong được bầu bạn. Con lấy chồng xa, biết bao giờ mẹ mới được gặp con…

Nhưng dù có trẻ, có già, đàn bà vẫn là người vợ, là người mẹ tranh phần chăm chồng, chăm con, tranh phần dọn dẹp, cơm nước tinh tươm cho gia đình. Họ khổ đấy, không sướng đâu. Nên đàn ông đừng nói họ sướng khi nhận những sự ban phát nhỏ nhoi. Chẳng có sự ban phát nào bù đắp được công lao mà họ đã hi sinh cho gia đình, cho chồng, cho con. Chỉ là họ luôn cho đó là nỗi vất vả trong hạnh phúc, sự khổ trong vui sướng, trong tự hào… Họ sẽ quên được cái khổ ấy khi mà thật sự có được người chồng yêu thương, hết lòng vì mẹ con họ…

Dù sau này, họ có được hưởng một cuộc sống giàu sang, sung túc, được bước trên nhung lụa thì cũng đừng nói là họ quá sướng, lấy được ông chồng giàu. Sự giàu có ấy không phải của riêng ai, chính là do công sức rất lớn của đàn bà. Họ luôn làm hậu phương vững chắc cho đàn ông… Không có đàn bà, đàn ông há được vui?

NAM

Leave a Reply