Tình yêu là một bài học lớn trong đời, chia tay cũng vậy. Mỗi lần qua một chuyện tình, chúng ta đều trưởng thành thêm, thậm chí học được nhiều điều để không vấp phải những lỗi lầm cũ… 

>>> Người yêu em hồi ấy, chồng em hiện tại, giờ nó là gì mà so sánh được với anh?

Buổi sớm nay lướt Facebook, trong khi người người đăng lời chúc mừng 20/11, kể lại kỉ niệm xưa, “post” ảnh cũ chụp cùng thầy, cô giáo, thì một cô bạn tôi lại giăng “tút”… cảm ơn người yêu cũ. Có vẻ hơi trái khoáy, nhưng ý tứ của cô ấy khiến tôi bật cười.

Cũng đúng, chẳng phải chúng ta đều ít nhiều học được điều gì đó từ những mối tình cũ, từ người cũ đã từng bước ngang qua cuộc đời mình hay sao?

Chắc hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng tình yêu chính là một bài học lớn trong đời. Khi yêu một ai đó, không đơn thuần chỉ cần trao đi tình cảm trong lòng mình là đủ, mà suốt quá trình đó, chúng ta còn phải học cách tin tưởng, đối thoại, chia sẻ, lắng nghe, nhường nhịn, chung sống với đối phương, thậm chí còn phải học cả cách ứng xử với  gia đình, họ hàng, bạn thân lẫn người yêu cũ của người ấy.  

Nhiều lúc, chúng ta cũng phải phá vỡ những nguyên tắc, những hình mẫu của bản thân để thương một người. Bởi lẽ nếu không biết kìm hãm cái “tôi” cá nhân, không biết học cách chấp nhận những nỗi thất vọng, những cơn khủng hoảng ngấp nghé ở bờ vực chia tay, thì sao có thể nắm tay, đi cùng nhau trên một đoạn đường dài?

Cậu em trai tôi từng có một mối tình chưa đầy ba tháng với cô bạn gái kém hai tuổi trong trường Đại học. Mối tình đó sớm vội yêu, sớm vội chia tay cũng vì cả hai ngay từ ban đầu đã có những “lầm tưởng” về nhau, mà tới khi trở thành một cặp mới vỡ lẽ ra đối phương không như hình mẫu mình muốn, không như những tưởng tượng trong đầu mình trước đây.

Nàng thấy chàng là Chủ tịch câu lạc bộ tình nguyện, ưa nhìn, lại nói chuyện thú vị, liền đổ “rầm”. Chàng thấy nàng năm lần bảy lượt tỏ ý, cũng dần dần xiêu lòng, rồi nhung nhớ. Đến khi yêu, nàng nhận ra chàng không lãng mạn như mình mong, không vì người yêu chịu làm những điều “điên rồ” như những vệ tinh vẫn luôn xoay quanh nàng. Còn chàng, cũng dần chán vì nàng quá trẻ con, không thông cảm cho một người bận rộn.

bên nhau hạnh phúc

Trong cơn khủng hoảng tình yêu, em trai tôi và bạn gái có hai lựa chọn: thay đổi bản thân để cùng nắm tay đi tiếp, hoặc mỗi người tiếp tục “ôm” lấy những giá trị bản thân theo đuổi và đi về hai hướng khác nhau. Cuối cùng cả hai đã chọn cách chia tay, cũng chẳng thể làm bạn như trước nữa.

Sau lần đó, em trai tôi thú thật rằng đã quá vội vàng nói lời yêu. Chàng ta cũng tự nhủ với bản thân rằng lần sau phải suy nghĩ thật kĩ trước khi bắt đầu một mối quan hệ, để không rơi vào cảnh dở dang khi yêu một người có quá nhiều điểm khác biệt với mình.

Vậy đấy, khi còn trẻ, chúng ta thường bỏ qua những lời khuyên can, góp ý của người ngoài, muốn tự mình trải nghiệm, để rồi khi vấp ngã tuy có đau đớn nhưng tự khắc ghi cho bản thân bài học để những lần sau không mắc sai lầm tương tự.

Yêu giúp chúng ta sâu sắc hơn, còn đổ vỡ chia tay chính là thử thách cho sự trưởng thành.

Khi chia ly, chúng ta phải học cách bước qua quá khứ. Dù rũ bỏ những đau khổ, hay những khoảnh khắc hạnh phúc đã từng có đều là những việc khó. Thậm chí trong vòng xoáy của sự chia ly, chúng ta thường có những suy nghĩ tiêu cực, gán “tội” cho một trong hai người, hoặc nhận về mình những trách cứ, tổn thương, tự mặc định bản thân là “người bị hại”.

Nhưng bạn có biết rằng, còn ghét, còn hận, còn giận, còn day dứt, còn xấu hổ, còn oán thán  đồng nghĩa với việc bạn vẫn đang bị vướng với tình cũ hay không? Chỉ khi nào bạn nghĩ tới người đó mà không còn đau, không cảm thấy những xúc cảm dù là tiêu cực hay tích cực thổi bùng lên, thì khi đó bạn mới thực sự bước ra khỏi mối tình.

Nhiều khi chúng ta cần kha khá thời gian, thậm chí là trải qua thêm vài mối tình, mới có thể tha thứ, bao dung cho một mối tình xa lắc xa lơ trong quá khứ. Khi có thể tha thứ cho người khác, khi không còn trách cứ chuyện xa xưa, trái tim của chúng ta mới thực sự lành lại, rộng mở thêm, bớt sân si, ích kỉ. Đó cũng là lúc chúng ta tự thấy mình đã có một bước dài trong sự trưởng thành.

Chẳng thế mà người ta vẫn nói người đi qua nhiều cuộc tình là những người từng trải. Họ mạnh mẽ và dứt khoát, biết rõ mình muốn tìm kiếm điều gì ở đối phương, biết bản thân nên “thỏa hiệp” trong trường hợp nào, đâu là ranh giới cho điều mình muốn bảo vệ, nên nhún mình lại để thay đổi cùng người ấy, hay nên buông bỏ vì mối tình đó không có tương lai…

Sự từng trải đó bạn không thể học qua kinh nghiệm của những người khác, cũng không thể đọc trong sách vở, hay những bộ phim,… Đó là “cái giá” đánh đổi từ vết thương của những mối tình xưa, là bài học đến từ những người cũ. 

Phải chăng vì đã học hỏi được nhiều điều mà cô bạn của tôi mới đùa rằng 20/11 là dịp để nói lời cảm ơn với tình cũ, người xưa?

TNTP – Tuệ Minh

* Bài viết thể hiện quan điêm riêng của tác giả.

Leave a Reply