rửa chân cho mẹ

Sau một đêm bất an với những giấc mơ kỳ quái, sớm nay thấy lòng nhiều lo lắng nên gọi điện về nhà. Mẹ nói với tôi tối qua bố tôi ngã xe do say rượu, giờ đang chờ khám ở bệnh viện vì bố kêu đau.

Tôi đã nổi khùng, chẳng biết là vì bố say hay vì mẹ chẳng nói với chúng tôi. Thật sự rất khó chịu!? Sau đó mẹ nói, chúng tôi còn đi làm, nói ra chỉ làm chúng tôi lo thêm chứ giải quyết được gì. Chờ kết quả khám mẹ nói sau, mẹ không muốn chúng tôi phải bận tâm lo lắng.

Bốn chữ “giải quyết được gì” như xuyên vào lòng tôi, ghim mãi ở đó không xua đi được. Hình như, tôi đã sai ở đâu đó rồi.

Chúng tôi dường như rất ít khi dành cho cha mẹ kiên nhẫn, bao dung cũng như quan tâm đúng mực. Trong khi đó nhận lấy lo lắng, dành dụm từ cha mẹ như một lẽ tất nhiên. Thực ra, có cái lý nào lại như thế?!

Ngày nhỏ chưa hiểu chuyện, oán trách rất nhiều, từ cái nghèo khó của gia đình tới tật hay rượu của cha, tính hay cằn nhằn của mẹ. Lớn lên một chút, có thể hiểu vì sao cha hay say, vì sao mẹ hay nói, nhưng lựa chọn bỏ qua một cách rất tồi. Đó là sẽ không về nhà những lúc cha mẹ cãi vã, hoặc chỉ về ngủ trọ một đêm khi có việc, khi cần giải tỏa bức bối của cá nhân mình.

Chưa một lần nghiêm túc suy nghĩ mẹ đang sống như thế nào với bao rối ren cơm áo gạo tiền, chắt chiu từng đồng đối nội đối ngoại. Chưa một lần nghiêm túc ngồi xuống tâm sự với cha về những điều ông quan tâm như một người lớn. Chưa từng lắng nghe tận tâm can những thứ vụn vặt hàng ngày.

Chỉ biết rằng mỗi năm một cái tết đi qua là mẹ cha già thêm một chút. Chỉ biết rằng cha mẹ già rồi thì phải sống làm gương cho con cho cháu, phải bớt nói đi, phải bớt say đi, bớt có những hành vi và câu chữ gây mất lòng người khác. Mà người khác ở đây có ai ngoài những đứa trẻ to xác mẹ cha ôm ấp ngày nào?

Chúng tôi, những đứa trẻ có khôn mà không có lớn, nhìn thấu được những giả dối nhân gian, diễn được tròn vai đối nhân xử thế với ngọt cười lả giả, nhưng lại chẳng đủ xót thương nghe mẹ kêu ca chuyện con vịt, đàn gà.

Chúng tôi, những kẻ bắt kịp thời đại của một thế hệ cúi đầu, mắt dán lên điện thoại thông minh, nắm tin tức từ trong nước cho đến ngoài thế giới. Nhưng lại không biết đêm qua cha ho đến đau ngực, mẹ thức cả đêm vì xương khớp nhức lúc trở trời.

Chúng tôi, những kẻ điên cuồng vì yêu, vì sống, sẵn sàng đi hàng trăm cây số để hẹn một người mới quen, đứng chờ vài tiếng đồng hồ một người mới gặp. Lại lần lữa bao lâu không chịu đi vài chục ki lô mét ăn một bữa cơm nhà.

Chúng tôi, những đứa non nớt tuổi đời ngồi nói đạo lý, phán chuyện nhân sinh, khuyên răn người khác, thâu đêm nghe bạn bè tâm sự. Lại chẳng biết gọi một cuộc điện thoại hỏi cha mẹ đã ăn tối chưa, có món gì đủ dinh dưỡng hay rau canh đạm bạc qua ngày.

Chúng tôi, những đứa trẻ quen được mẹ cha nuông chiều, cung phụng, quen được gắt lên khi không vừa ý, quay ngoắt lưng đi lúc chẳng đúng lòng. Khi ra đời cúi đầu trước đồng tiền, cúi đầu trước cấp trên, địa vị. Khi ở nhà lại gân cổ lên tranh thua thắng với đôi bậc sinh thành.

Chúng tôi, giải quyết được gì cho cuộc đời đầy cơ cực vì chúng tôi bao năm ấy? Giải quyết được gì khi mẹ ốm, cha đau? Thường trách mẹ ăn uống không dinh dưỡng, thường trách cha không kiểm soát được tật rượu chè. Chúng tôi, chỉ thường làm những thứ tầm thường như vậy.

Đã quên mất mua cho mẹ chiếc áo bông khi Đông tới, đã quên mất từng hứa mua cho cha chiếc dao cạo râu từ tháng năm nào. Đã quên mất có hai người già tuổi, già lòng mỗi ngày ăn mỗi ít, ngủ mỗi khuya, ra ngóng vào trông cuối tuần cùng lễ tết. Bởi những ngày ấy chúng tôi mới tất bật chạy về. Đã quên mất con gà không tự dưng mà lớn, quả trứng không tự nhiên mà to, vườn rau không tự nhiên mà tốt.

Đã quên mất bao lâu cha không hỏi chúng tôi dự định, mẹ không nói chuyện xóm làng. Bởi vì chúng tôi còn bận nói, còn bận kể chuyện kiếm tiền gian khó, bận than thở đồng nghiệp không thật thà, bận cằn nhằn chuyện thành phố không vui, bận bực bội con cái không ngoan, không giỏi.

Chúng tôi bận quá nhiều thứ, những thứ mà chúng tôi cho rằng quan trọng, cho rằng gấp gáp, cho rằng nên yêu. Chúng tôi đợi quá nhiều điều, những điều mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ đạt tới, tin rằng sẽ làm được, cho rằng sẽ nhanh thôi. Mà lảng tránh tháng năm mỗi ngày một tới cuối con đường sinh mệnh của hai gốc cây ngày một già cỗi ấy.

Chẳng biết, sẽ còn bao nhiêu ngày tháng nữa. Chẳng biết, sẽ được nghe bao nhiêu lần giọng nói nữa. Một ngày tóc bạc da mồi, một ngày chùn chân gối mỏi, một ngày ngực tức mắt đau…

Đó là những ngày không biết trước, cũng không ngăn được. Thời gian, chẳng buông tha bất cứ một người nào.

Vì sao chúng ta hào phóng với thiên hạ, rộng rãi với thế gian nhưng lại ích kỷ, tính toan với người thân, ruột thịt? Cứ nghĩ rằng mình đã lớn rồi, cho rằng mình đã thấu hiểu rồi, đủ nhẫn nại và bao dung rồi. Nhưng biết đâu, để đạt tới tấm lòng của mẹ, suy nghĩ của cha, còn xa lắm. Có khi, đến tận lúc mất đi mới thấu triệt hết lý lẽ, nhân tình.

Vườn rau, ao cá, sân nhà
Mẹ thêm của cải đó là chúng ta
Một đời xuôi ngược bôn ba
Đến khi lửa tắt hóa ra lạnh lòng
Cái con một kiếp đèo bòng
Đợi chi báo hiếu lưng còng, dạ đau
Sắp tàn cây khế, chùm cau
Vẫn run tay níu một màu, vì ai?!…

Hạ Tiểu Thiền

Leave a Reply