cô đơn bên cửa sổ

Mình từng thất bại trong cuộc gắn bó với một người. Có một bức tường mà tụi mình luôn va vào trong mỗi cuộc trò chuyện. Khi bất đồng trong một vấn đề, tụi mình cuối cùng sẽ va vào bức tường ngăn cách đó. Bức tường đó sẽ hiện ra khi người đó nói:

– Ok được rồi, em đúng mà.

Hoặc:

– Rồi rồi, anh hiểu rồi. Trưa nay em ăn gì nhỉ?

Hay sốt sắng hơn:

– Đúng là em lúc nào cũng đúng, anh xin lỗi nè!

Tất cả những câu nói đó đều chỉ có một ý nghĩa duy nhất: “thôi ta đừng nói chuyện này nữa”.

Có lẽ mọi người cũng không lạ với những tình huống kiểu vầy. Sự kết thúc này có mặt tích cực là người đó không muốn tranh cãi với bạn, không muốn xung đột và gây tổn thương cho bạn. Điều đó là tốt, trong một tình huống cụ thể nào đó.

Nhưng, nếu mọi cuộc bất đồng đều kết thúc trong trạng thái “tháo chạy” đó, mối quan hệ giữa hai người sẽ vĩnh viễn không tiến sâu hơn được nữa.

Giai đoạn đó, mình luôn tự hỏi vì sao mình luôn có cảm giác hụt hẫng vô cùng mỗi khi cuộc bàn bạc bị dừng lại lưng chừng? Mình tự hỏi: có phải mình hiếu thắng? Có phải mình muốn người đó phải nghe hết lý lẽ của mình để nhận ra người đó đã sai? Có phải mình là người quá căng thẳng chuyện đúng/sai nên sẽ bực bội nếu sự sai đúng không được đi đến tận cùng?

Câu trả lời đều là không. Mình không có nhu cầu chứng minh mình đúng. Nhưng, mình có một nhu cầu mãnh liệt được tương tác cùng người đó, và hiểu câu chuyện mà hai người đang trò chuyện. Khi gặp bất đồng với người không thân thiết, mình có thể chủ động dừng lại không tranh luận. Nhưng khi đó là người mình muốn gắn bó, mình có xu hướng muốn bày tỏ đến tận cùng để cả hai cùng nhìn thấy hết những ngóc ngách suy tư của mình, của nhau. Những cuộc phơi bày đó là cơ hội duy nhất để người ta chủ động tiếp cận sâu hơn tâm hồn và tư duy của đối phương. (bên cạnh những tình huống đột biến, khiến người ta nhìn rõ nhau một cách thụ động).

Nhưng, người kia thì không. Đó chính là điều khiến mình thấy buồn. Người đó thậm chí còn kết thúc những bất đồng bằng sự vỗ về, dỗ dành. Nhưng sự vỗ về và dỗ dành lúc đó chỉ khiến mình thấy xa cách và lạnh nhạt hơn…

Lúc đó, mình đã nghĩ người đó không chân thành. Thậm chí, có vẻ như mình không mấy quan trọng với họ, và họ không có nhu cầu chia sẻ quá sâu với mình…

Mình đã chọn dừng lại với người đó. Không phải nghỉ chơi, mà dừng kỳ vọng vào sự gắn bó. Tụi mình sau đó vẫn bầu bạn, nhưng mình đã chủ động hơn khi đã vài lần được “đo lường” về nhu cầu đồng điệu của cả hai.

Nhưng, mãi về sau này, mình mới gọi đúng tên của hiện tượng đó. Đó chính là sự THIẾU DŨNG CẢM.

Bạn sẽ đôi lúc thấy thất vọng khi người yêu không bàn luận đến cùng về một vấn đề.

Sẽ đôi lúc bạn thấy chán chường khi người chồng dễ dàng xuôi theo ý bạn dù ảnh có một quan điểm hoàn toàn khác (mà không phải là nhằm chiều chuộng bạn).

Bạn sẽ bực bội nếu đối diện với một người dễ dãi nói xin lỗi cho xong, dù cả hai đang còn phải trò chuyện để xem vấn đề nằm ở đâu.

Bạn sẽ cho rằng người đó không có lập trường, thậm chí nhu nhược. Nhưng thực ra, đó là sự THIẾU DŨNG CẢM.

Để đi đến tận cùng bản chất của mọi chuyện, cần rất nhiều dũng cảm. Bản chất vấn đề đôi khi nằm ẩn sâu dưới rất nhiều lầm lẫn bị ta chất chồng qua tháng năm. Đến khi cần nhìn vào nó để giải quyết, ta phải lật tung những năm tháng mình đã sai, đã lầm, để sửa đổi. Điều đó cần quá nhiều dũng cảm.

Hoặc đơn giản, việc nhìn vào bản chất khiến ta phải tư duy nhiều hơn, tiếp nhận nhiều hơn, học nhiều hơn, và thậm chí sửa đổi nhiều hơn – cho sự BIẾT của mình. Bởi một khi đã BIẾT, ta không thể ung dung như một ta KHÔNG BIẾT được nữa. Khi đã biết mà vẫn lười biếng phó mặc như CHƯA BIẾT, ta sẽ bị dằn vặt khó chịu…

Vì vậy, người ta sẽ né tránh, sẽ xin lỗi, vỗ về, nhún nhường, chỉ để không phải đối diện – dù chưa biết sự đối diện sẽ đưa mình đến đâu.

Sự thiếu dũng cảm đôi lúc sẽ cực đoan đến mức nó khiến ta không muốn đối diện với bất kỳ điều gì trái với quỹ đạo ngày thường. Không chỉ là một cuộc nói chuyện sâu, mà cả một chuyến đi, một món ăn mới, một gặp gỡ mới… Ta tự cho mình “ổn rồi, không cần thay đổi”, để khước từ những cơ hội, trải nghiệm thi vị tuyệt vời nào đó mà ta chưa từng trải nghiệm…

Quay về chuyện hai người, sự thiếu dũng cảm sẽ khiến mối quan hệ lão hoá nhanh chóng không kém một sự phản bội nào. Một người thiếu dũng cảm sẽ không thể có một mối quan hệ sâu sắc. Không có gắn bó tâm hồn. Không có hoàn thiện bản thân. Không có hạnh phúc đích thực của một mối quan hệ…

Đôi bên sẽ luôn thấp thoáng cảm giác bất an, không ổn, không thoả mãn.

Nhưng khi đã gọi tên thái độ đó là “thiếu dũng cảm”, bạn sẽ thấy dễ chịu hơn, và biết tiếp cận vấn đề đó một cách bản chất hơn để tác động vào đó cho hiệu quả.

Và khi đó, chính bạn cũng nhận ra điều ngăn cản mình với thành công, hạnh phúc, và sự gắn bó nào đó… đôi khi chỉ là sự thiếu dũng cảm.

Minh Trâm

Leave a Reply